fbpx

Tổng thống Philippines sửa đổi chiến lược AML/CTF nhằm đưa đất nước thoát khỏi danh sách xám của FATF

Tổng thống Philippines Ferdinand R. Marcos Jr. mới đây đã yêu cầu các cơ quan và bộ ngành của Chính phủ triển khai thực hiện chiến lược mới về chống rửa tiền và chống tài trợ khủng bố (AML/CTF). Kế hoạch mới đặt ra nhằm mục đích đưa Philippines thoát khỏi Danh sách xám của Lực lượng đặc nhiệm tài chính quốc tế (FATF). Quốc gia này bị đưa trở lại Danh sách xám vào năm 2021 do các lỗ hổng về cơ chế AML/CTF hiện hành. Mặc dù đã đạt được tiến bộ trong các lĩnh vực quan trọng, song sau Hội nghị toàn thể của FATF vào tháng 6 năm 2023 Philippines vẫn chưa được đưa ra khỏi Danh sách xám.

Xem thêm: Việt Nam bị đưa vào “Danh sách xám” về phòng chống rửa tiền

Tổng thống Marcos đặt mục tiêu đưa Philippines ra khỏi danh sách xám

Tổng thống Marcos giải thích rằng, ông dự định củng cố chế độ AML/CTF của đất nước thông qua Chiến lược quốc gia về chống rửa tiền, tài trợ khủng bố và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt (gọi tắt là NACS) giai đoạn 2023-2027. Theo Marcos, Chính phủ sẽ sớm tổ chức lại Ủy ban điều phối quốc gia về AML/CTF để hoàn thành các mục tiêu theo Chiến lược NACS. Để toàn diện hóa thẩm quyền, chức năng của mình, Ủy ban sẽ được đổi tên thành Ủy ban điều phối quốc gia về chống rửa tiền/tài trợ khủng bố/tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt (NACC).

Lịch sử hình thành và phát triển của cơ chế AML/CTF tại Philippines:

Philippines đã ban hành Đạo luật phòng chống rửa tiền năm 2001 để ngăn chặn hành vi rửa tiền nhằm thu lợi từ các hoạt động bất hợp. Nó là minh chứng thể hiện cam kết hợp tác với các cuộc điều tra AML quốc tế và trừng phạt tài trợ khủng bố, tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt. Tuy nhiên, sau Báo cáo đánh giá đa phương (MER) năm 2009, FATF đã xác định vẫn còn nhiều hạn chế chiến lược trong khuôn khổ AML/CTF của Philippines.

Trong khoảng thời gian từ năm 2010 – thời điểm ban hành Kế hoạch hành động quốc gia đến thời điểm Báo cáo đánh giá đa phương lần 2 năm 2019, sự tiến bộ của Philippines được ghi nhận gắn liền với các Khuyến nghị của FATF. Đến tháng 6 năm 2013, cơ quan giám sát toàn cầu công nhận rằng quốc gia này đã hoàn thành Kế hoạch hành động quốc gia và thiết lập được một số khuôn khổ cần thiết. Tuy nhiên, vẫn còn những lỗ hổng như trong lĩnh vực kinh doanh casino,…

Vào tháng 10 năm 2019, Báo cáo đánh giá đa phương cập nhật của FATF đã chỉ ra một số thiếu hụt chiến lược trong chế độ AML/CTF/PF của Philippines. Những vấn đề này xuất hiện bất chấp việc thành lập Ủy ban điều phối quốc gia về AML/CTF (Theo Sắc lệnh 68) vào năm 2018. FATF đưa ra 17 hành động khuyến nghị ưu tiên để giải quyết những hạn chế này. Trong số này, đặc biệt yêu cầu Philippines thực hiện các biện pháp trừng phạt tài chính mục tiêu không chậm trễ đối với hành vi tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt.

Sau lần đánh giá tháng 8 năm 2020, vẫn còn tồn tại nhiều thiếu hụt chiến lược chưa được khắc phục. Tháng 6 năm 2021, FATF lần nữa thêm Philippines vào Danh sách các khu vực tài phán được giám sát tăng cường, hay còn được gọi là Danh sách xám. Cơ quan giám sát khu vực đã yêu cầu Philippines lên một kế hoạch hành động đặc biệt giải quyết các lỗ hổng AML/CTF, đánh giá tiến độ tại chỗ để xác định xem quốc gia này có đủ điều kiện để xóa khỏi Danh sách xám hay không. Đến tháng 2 năm 2023, FATF thông báo rằng kế hoạch hành động của Philippines đã hết hạn với nhiều thiếu sót còn tồn đọng. Những hạn chế bao gồm: (i) Các mục tiêu và kế hoạch hành động của Ủy ban điều phối quốc gia về AML/CTF/PF (NACC) chưa hoàn thành, cụ thể: mục tiêu của NACC tập trung vào ma túy và tham nhũng, do đó không phản ánh đầy đủ các rủi ro tội phạm tài chính; (ii) các biện pháp truy tố tài trợ khủng bố (TF) không đầy đủ – Các cơ quan chức năng tập trung quá mức vào việc truy tố các tội phạm nguồn của TF, bỏ qua các tội phạm tài trợ khủng bố; (iii) không có khuôn khổ pháp lý trong việc thực hiện các biện pháp trừng phạt tài chính mục tiêu (TFS) chống tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt.

Tiến trình thoát khỏi Danh sách xám – Chiến lược AML/CTF mới của Philippines

Theo Sắc lệnh 33, Philippines đã thông qua một chiến lược mới để giải quyết những thiếu sót này. Nó sửa đổi Sắc lệnh 68 và có 3 bổ sung cốt lõi: (i) Sửa đổi NACS đã hết hạn cho giai đoạn 2018-2022 – Chính phủ đã đổi tên chiến lược NACS, điều chỉnh lại và bổ sung thêm các biện pháp chống tài trợ phổ biến vũ khí (CPF). Điều này đáp ứng yêu cầu gấp rút mà FATF đề ra; (ii) tái cấu trúc NACC và bổ sung thẩm quyền mới – Chính phủ đã bổ sung Cơ quan Điều phối tình báo quốc gia (NICA) làm thành viên NACC. Động thái này đáp ứng yêu cầu của FATF về tăng cường tình báo tài chính, hỗ trợ các cuộc điều tra thực thi pháp luật AML/CTF. NACC cũng được trao thêm quyền để giúp các cơ quan thực hiện chiến lược AML/CTF/CPF mới. Hiện nay, Ủy ban này có quyền tổ chức các tiểu ban hỗ trợ của riêng mình; (iii) tổ chức lại Tiểu ban chống tài trợ khủng bố và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt – Để hỗ trợ tập trung mở rộng vào CPF, chính phủ đã chia tiểu ban này thành Tiểu ban chống tài trợ khủng bố và Tiểu ban chống tài trợ phổ biến vũ khí.

Những bổ sung này đáp ứng các hành động ưu tiên của FATF trong Báo cáo đánh giá đa phương năm 2019, bao gồm: (i) Tăng cường tình báo tài chính để hỗ trợ các cuộc điều tra của cơ quan thực thi pháp luật về rửa tiền, tài trợ khủng bố và tội phạm nguồn; (ii) tiếp tục thực hiện chiến lược AML/CTF quốc gia, đảm bảo tính hiệu quả thực thi của NACC và các tiểu ban của nó; (iii) tạo khung pháp lý để kịp thời thực hiện các biện pháp trừng phạt tài chính mục tiêu đối với hành vi tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, giám sát và thực thi việc tuân thủ. Một khuôn khổ AML/CTF được củng cố, tăng cường sẽ giúp Philippines có điều kiện tốt hơn để giải quyết tất cả 17 hành động khuyến nghị của FATF.

Khi khuôn khổ AML/CTF cấp quốc gia được tổ chức lại và mở rộng, các công ty phải tuân thủ luật pháp hiện hành mới nhất. Các khu vực trước đây không được kiểm soát hoặc nơi việc thực thi chúng ở mức hạn chế, đặc biệt là ở các khu vực rủi ro cao, có khả năng phải đối mặt với các yêu cầu mới nghiêm ngặt hơn. Do đó, các công ty nên hoàn thiện phương pháp đánh giá rủi ro của mình để quản lý rủi ro hoạt động của doanh nghiệp. Các phương pháp tiếp cận chủ động là cách tốt nhất để đối phó với tội phạm tài chính.

Nguồn: Cơ quan 81.

Viết một bình luận