fbpx

Đề xuất thành lập Cục Phòng chống rửa tiền

Ngân hàng Nhà nước đề xuất tách Cục Phòng chống rửa tiền ra khỏi Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng. Cục Phòng chống rửa tiền sẽ trở thành đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước với cơ cấu tổ chức gồm 5 phòng, biên chế dự kiến là 69 người…

Thực hiện quy định tại khoản 1 Điều 64 Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2022, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã xây dựng và hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định có liên quan đến đơn vị thực hiện phòng, chống rửa tiền.

TĂNG TÍNH ĐỘC LẬP CHO CƠ QUAN PHÒNG CHỐNG RỬA TIỀN

Theo đó, Ngân hàng Nhà nước đề xuất thành lập Cục phòng chống rửa tiền (PCRT) trên cơ sở tổ chức lại Cục PCRT từ một đơn vị thuộc Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng (TTGSNH) thành một đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước.

Theo quy định tại Nghị quyết số 18-NQ/TW, việc sắp xếp lại tổ chức bộ máy không được tăng thêm đầu mối và biên chế. Thực hiện quy định trên, Ngân hàng Nhà nước đề xuất sáp nhập Vụ Ổn định tiền tệ – tài chính với Vụ Dự báo, thống kê; đồng thời đổi tên gọi của Vụ Dự báo, thống kê thành Vụ Dự báo, thống kê – Ổn định tiền tệ, tài chính.

Theo Phương án sắp xếp, điều chỉnh mới, về tổng thể Ngân hàng Nhà nước sẽ: i) giữ ổn định số lượng 25 đầu mối đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước; ii) giảm 01 đầu mối đơn vị cấp Cục thuộc Tổng cục (là Cục PCRT); và iii) giữ ổn định số lượng phòng: giảm 03 phòng của Cơ quan TTGSNH, tăng 03 phòng cho 02 đơn vị (tăng 02 phòng cho Vụ Dự báo, thống kê – Ổn định tiền tệ, tài chính và tăng 01 phòng cho Cục PCRT (Phòng Thanh tra để thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyển từ Cơ quan TTGSNH sang).

Cục PCRT được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước phân cấp, ủy quyền để quyết định một số vấn đề thuộc phạm vi quản lý nhà nước về phòng chống rửa tiền như sau.

Thứ nhất, phân cấp, ủy quyền cho Cục trưởng Cục PCRT được ban hành văn bản cá biệt, văn bản hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ về chuyên ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Cục.

Thứ hai, phân cấp, ủy quyền cho Cục trưởng Cục PCRT trong tiếp nhận, xử lý, chuyển giao, trao đổi thông tin về phòng chống rửa tiền, tài trợ khủng bố trong và ngoài nước.

Cụ thể: (1) yêu cầu các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp thông tin, hồ sơ, tài liệu liên quan đến rửa tiền, tài trợ khủng bố và tội phạm khác liên quan đến rửa tiền; (2) chuyển giao thông tin hoặc hồ sơ vụ việc liên quan đến rửa tiền, tài trợ khủng bố hoặc tội phạm khác liên quan đến rửa tiền cho cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật; (3) lập danh sách cảnh báo tổ chức, cá nhân có rủi ro cao về rửa tiền theo quy định của pháp luật; cảnh báo những vấn đề nảy sinh liên quan đến rủi ro rửa tiền, tài trợ khủng bố hoặc tội phạm khác liên quan đến rửa tiền; (4) phối hợp trao đổi thông tin với các cơ quan có chức năng thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án và các cơ quan quản lý nhà nước khác.

Thứ ba, phân cấp, ủy quyền cho Cục trưởng Cục PCRT ký kết các biên bản ghi nhớ hợp tác (MOU) với các cơ quan trong nước và quốc tế về phòng chống rửa tiền và tài trợ khủng bố.

Thứ tư, phân cấp, ủy quyền cho Cục PCRT tiếp cận thông tin được thu thập/lưu giữ bởi các cơ quan khác một cách trực tiếp hoặc gián tiếp.

Thứ năm, phân cấp, ủy quyền cho Cục PCRT trong giám sát đối tượng báo cáo trong việc thực hiện báo cáo theo quy định tại khoản 11 Điều 48 của Luật Phòng chống rửa tiền năm 2022; phối hợp cung cấp thông tin giám sát cho cơ quan thanh tra các bộ, ngành để phục vụ cho công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát về phòng chống rửa tiền.

Nguồn: Đề xuất thành lập Cục phòng chống rửa tiền

Xem thêm: Kế hoạch hành động của Việt Nam để ra khỏi “Danh sách xám”

1 bình luận về “Đề xuất thành lập Cục Phòng chống rửa tiền”

Viết một bình luận