Nhóm châu Á – Thái Bình Dương về chống rửa tiền (APG) là một tổ chức liên chính phủ tập trung vào việc đảm bảo các thành viên của mình thực hiện hiệu quả các tiêu chuẩn quốc tế về chống rửa tiền, tài trợ khủng bố và tài trợ cho vũ khí hủy diệt hàng loạt.
Khái niệm
Nhóm châu Á – Thái Bình Dương về chống rửa tiền trong tiếng Anh là Asia/Pacific Group on Money Laundering, viết tắt là APG.
Nhóm châu Á – Thái Bình Dương về chống rửa tiền (APG) là một tổ chức liên chính phủ, bao gồm 41 thành viên, tập trung vào việc đảm bảo các thành viên của mình thực hiện hiệu quả các tiêu chuẩn quốc tế về chống rửa tiền, tài trợ khủng bố và tài trợ cho vũ khí hủy diệt hàng loạt.
APG được thành lập vào năm 1997 với 13 thành viên sáng lập, gồm: Australia, Bangladesh, Trung Quốc, Đài Loan, Nhật, New Zealand, Philippines, Singapore, Sri Lanka, Thái Lan, Mỹ và Vanuatu. Ngay lập tức, các thành viên sáng lập nhất trí ban hành điều khoản tham chiếu được xem như hiến pháp của APG, trong đó chỉ rõ tổ chức APG là một tổ chức mang tính tự nguyện và hợp tác trong lĩnh vực chống rửa tiền.
Chức năng của APG
APG có 5 chức năng chính là:
(1) Đánh giá việc thực hiện đầy đủ các tiêu chuẩn quốc tế về chống rửa tiền và chống tài trợ khủng bố của các thành viên thông qua một chương trình đánh giá chéo lẫn nhau giữa các quốc gia thành viên;
(2) Phối hợp song phương với các tổ chức quốc tế trong việc đào tạo và hỗ trợ kĩ thuật trong khu vực Châu Á/Thái Bình Dương để nâng cao việc chấp hành đầy đủ các tiểu chuẩn quốc tế về chống rửa tiền và chống tài trợ khủng bố của các thành viên;
(3) Tích cực tham gia và mở rộng quan hệ hợp tác với hệ thống các tổ chức chống rửa tiền quốc tế, đặc biệt là với FATF và tổ chức vùng kiểu FATF khác;
(4) Nghiên cứu, phân tích những thủ đoạn mới về rửa tiền và xu hướng chống tài trợ khủng bố, trên cơ sở đó, đề xuất những giải pháp cho các tổ chức thành viên APG;
(5) Thực hiện tốt vai trò thành viên tích cực trong FATF để góp phần xây dựng chính sách và các tiêu chuẩn quốc tế về chống rửa tiền và chống tài trợ khủng bố.
Cơ cấu tổ chức của APG
Tại Hội nghị thường niên lần thứ nhất của APG được tổ chức tại Tokyo, Nhật Bản vào tháng 3/1998, các thành viên đã nhất trí thành lập Ban Quản trị gồm hai chủ tịch, đồng chủ trì hội nghị. Một chủ tịch được nắm giữ bởi Australia, Đồng chủ tịch luân phiên với nhiệm kì 2 năm do 1 thành viên APG khác nắm giữ. Giúp việc cho Ban Quản trị APG có Ban điều hành và Ban Thư kí.
Nhiệm vụ của Ban điều hành là tham mưu cho Ban Quản trị và các thành viên những lời khuyên mang tính chiến lược liên quan đến cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ và việc hỗ trợ các thành viên của tổ chức APG về vấn đề chống rửa tiền và chống tài trợ khủng bố. Các thành viên của Nhóm điều hành bao gồm những người đại diện đến từ 5 tiểu khu vực Châu Á Thái Bình Dương, bao gồm: Khu vực Bắc Á; Quần đảo Thái Bình Dương; Khu vực Nam Á; Khu vực Đông Nam Á và các thành phần khác.
Ban Thư kí được đặt tại trung tâm thương mại của Sydney, Australia. Ban thư kí của APG gồm 10 nhân viên thường trực, đứng đầu là Thư kí điều hành. Ban Thư kí có nhiệm vụ:
(1) Giúp Ban Quản trị trong việc thực hiện chức năng điều hành;
(2) Phối hợp hướng dẫn các thành viên APG tiến hành đánh giá chéo về chống rửa tiền và chống tài trợ khủng bố;
(3) Thực hiện chiến lược hỗ trợ kĩ thuật và đào tạo đối với các thành viên APG;
(4) Cung cấp các tài liệu nghiên cứu về AML/CFT và các vấn đề mới nổi khác cho tất cả các thành viên cũng như các tổ chức có liên quan;
(5)Tổ chức Hội nghị thường niên của APG và các cuộc họp khác…
Hoạt động của APG
Hàng năm, APG tổ chức Hội nghị thường niên và Hội thảo thường niên về các thủ đoạn rửa tiền và các xu hướng tài trợ khủng bố. Hội nghị thường niên APG thường được tổ chức vào giữa năm với thành viên tham dự là các quan chức cao cấp từ các thành viên APG và các tổ chức có liên quan.
Hội nghị thảo luận về kế hoạch chiến lược và chương trình làm việc của APG, tập trung vào các vấn đề: Cơ cấu tổ chức và bộ máy hoạt động của APG (như điều khoản tham chiếu, lập kế hoạch, ngân sách…); Báo cáo kết quả công tác đánh giá chéo giữa các quốc gia thành viên trong chống rửa tiền và chống tài trợ khủng bố; Những khó khăn của các thành viên trong quá trình thực hiện các điều khoản; Hỗ trợ thành viên liên quan đến các vấn đề đào tạo và hỗ trợ kĩ thuật; Ban hành các văn bản nhằm đảm bảo lợi ích cho các thành viên.
Hội thảo thường niên về các thủ đoạn rửa tiền và các xu hướng tài trợ khủng bố tập hợp các chuyên gia và đại biểu để thảo luận về các thủ đoạn mới trong rửa tiền và xu hướng tài trợ khủng bố, cũng như các vấn đề chính sách đang nổi lên.
Tại Hội nghị thường niên lần thứ 13 được tổ chức từ ngày 12-16/7/2010 tại Singapore, APG đã thông qua Kế hoạch hành động giai đoạn 2010 – 2012 nhằm hỗ trợ các thành viên dưới sự rà soát sâu của Nhóm rà soát các vấn đề hợp tác quốc tế (ICRG).
Từ tháng 5/2007, Việt Nam đã trở thành thành viên của APG và cam kết thực thi đầy đủ 40 khuyến nghị về chống rửa tiền và 9 khuyến nghị về chống tài trợ khủng bố của FATF. Đến nay, Việt Nam đã hoàn tất đợt rà soát sơ bộ của APG và đang tích cực chuẩn bị cho đợt rà soát sâu của Nhóm ICRG.
Dựa trên báo cáo đánh giá của APG, tháng 7 năm 2023, FATF đã chính thức đưa Việt Nam vào “danh sách xám” về rửa tiền.
(Theo Ngân hàng nhà nước Việt Nam)
1 bình luận về “Nhóm châu Á – Thái Bình Dương về chống rửa tiền (APG) là gì?”