Con la tiền – Money mule account là một phương thức rửa tiền được áp dụng khá phổ biến, đặc biệt tại Việt Nam. Nó có các ưu điểm khiến cho tội phạm rửa tiền đặc biệt ưa thích như: ẩn danh, khó truy vết, khó phát hiện, dễ dàng thực hiện,…
Ảnh: internet
Con la tiền là gì?
Thuật ngữ “Con la” được bắt nguồn từ việc vận chuyển hàng hóa sử dụng con vật chuyên chở là con la. Trong hoạt động rửa tiền, các đối tượng phạm tội sử dụng tài khoản ngân hàng, ví điện tử,…của các cá nhân khác để chuyển tiền, lưu giữ tiền trong tài khoản. Những cá nhân, tổ chức chính là các “con la” cho đối tượng phạm tội. Các “con la” này có thể nhận được thu nhập từ việc cho thuê, cho mượn các tài khoản của mình.
Có thể minh họa các bước rửa tiền sử dụng “Con la tiền” như sau:
Bước 1: Tạo tài khoản ngân hàng
Cá nhân (con la) đến ngân hàng mở tài khoản. Hoặc có thể sử dụng điện thoại mở tài khoản trực tuyến bằng eKYC. Để thuận tiện cho việc chuyển tiền, “con la” sẽ đăng ký internet/mobile banking.
Tổ chức cũng có thể đóng vai trò con la, khi đó các đối tượng rửa tiền thuê/mượn Căn cước công dân của một cá nhân, rồi đăng ký thành lập công ty. Sau đó sử dụng công ty này để tiến hành mở tài khoản ngân hàng. Tuy nhiên, việc sử dụng con la tổ chức khá phức tạp do cần đăng ký thành lập công ty, đồng thời thủ tục mở tài khoản ngân hàng của tổ chức cũng rắc rối hơn. Nên các đối tượng rửa tiền thường sử dụng con la là tài khoản cá nhân
Bước 2: Giao tài khoản ngân hàng cho đối tượng rửa tiền
Cá nhân sau khi mở tài khoản ngân hàng và đăng ký dịch vụ internet/mobile banking, sẽ giao toàn bộ thông tin tài khoản: số tài khoản, tên đăng nhập và mật khẩu cho đối tượng rửa tiền. Kể từ thời điểm đó, đối tượng rửa tiền toàn quyền sử dụng tài khoản của con la một cách nặc danh.
Bước 3: Sử dụng tài khoản con la cho các mục đích rửa tiền
Tài khoản con la có thể được sử dụng làm tài khoản để nhận các khoản tiền phi pháp có được từ lừa đảo, trộm cắp, tham nhũng, đánh bạc,…Các tài khoản này đứng tên người khác nên các đối tượng có thể tự do hoạt động mà không sợ bị lộ danh tính. Như vậy thay vì sử dụng tài khoản “chính chủ”, đối tượng rửa tiền sử dụng tài khoản của người khác để tham gia vào các hoạt động tội phạm. Điều này sẽ gây vô cùng nhiều khó khăn cho công tác điều tra, truy vết tội phạm. Chính yếu tố nặc danh này là ưu điểm nổi trội của phương pháp rửa tiền sử dụng con la.
Con la tiền có thể được sử dụng ở bất kỳ khâu nào trong 3 giai đoạn rửa tiền: Sắp đặt, phân chia, hòa nhập. Và thường được sử dụng kết hợp với các thủ đoạn khác nhằm gây khó khăn hơn nữa cho việc phát hiện, điều tra.
Có thể nói rằng việc thực hiện “Con la tiền” khá đơn giản nhưng để phát hiện thì không hề dễ dàng. Lý do vì khi thực hiện mở tài khoản, các cá nhân sử dụng giấy tờ tùy thân thật, người thật – việc thật. Do đó khó có thể phát hiện khi ngân hàng thực hiện KYC, đặc biệt khó khăn hơn khi khách hàng mở tài khoản online bằng eKYC. Thêm vào đó, công tác truy vết tội phạm gặp nhiều trở ngại vì việc cho thuê/cho mượn tài khoản được thực hiện hoàn toàn “trao tay”, chủ tài khoản thật sự có thể không biết người thuê/mượn tài khoản của mình là ai, họ chỉ quan tâm tới khoản tiền thu được khi cho thuê/mượn mà thôi.
Vậy làm sao để phát hiện ra các “Con la tiền”:
Tuy có nhiều khó khăn kể trên, nhưng vẫn có những biện pháp có thể giúp cho ngân hàng phát hiện ra các “Con la tiền”, dựa vào một số dấu hiệu như sau:
- Dấu hiệu bất thường khi khách hàng mở tài khoản cá nhân: khách hàng đến ngân hàng mở tài khoản cùng với người khác không phải người thân, khách hàng mở tài khoản không với mục đích giao dịch rõ ràng, mở tài khoản không quan tâm tới các mức phí hoặc tiện ích của ngân hàng, khách hàng mở tài khoản không phù hợp với công việc bản thân,…..
- Dấu hiện bất thường khi giám sát giao dịch: tài khoản giao dịch với số tiền lớn so với hồ sơ thu nhập/nghề nghiệp của khách hàng, tài khoản nhận và chuyển tiền thường xuyên nhưng không có hoặc số dư rất nhỏ, thiết bị đăng nhập có IP thay đổi liên tục hoặc IP ở nước ngoài, giao dịch liên quan tới các trang web lừa đảo, đánh bạc,…
Cách ngăn chặn “Con la tiền”
- Phát hiện và ngăn chặn từ lúc mở tài khoản: ngân hàng khi tiến hành KYC cần đặc biệt chú ý đến các dấu hiệu bất thường của khách hàng kể trên. Ngân hàng cũng cần chú trọng tới việc thu thập và xác minh mục đích giao dịch, dịch vụ dự kiến sử dụng, nguồn thu nhập, nguồn tiền của khách hàng,… để kịp thời phát hiện con la tiền ngay khi mở tài khoản.
- Phát hiện thông qua giám sát giao dịch: căn cứ hồ sơ khách hàng đã thu thập kể trên, ngân hàng cần xây dựng hệ thống giám sát giao dịch nhằm phát hiện và đưa ra các cảnh báo kịp thời khi phát hiện các giao dịch bất thường so với hồ sơ đã lưu.
Tại Việt Nam, việc cho thuê, cho mượn tài khoản khá dễ dàng. Ngoài ra, các đối tượng còn sử dụng giấy tờ tùy thân giả để mở tài khoản ngân hàng. Mục đích cuối cùng luôn là tạo ra các tài khoản “con la tiền” nhằm thực hiện các giao dịch chuyển khoản, nhận tiền mà không sợ bị truy vết. Gần đây, Ngân hàng nhà nước đã phối hợp với Bộ Công An ký kết Kế hoạch hành động nhằm triển khai “làm sạch dữ liệu” tài khoản ngân hàng, loại bỏ các tài khoản sử dụng giấy tờ tùy thân giả. Ngoài ra, Ngân hàng nhà nước còn dự thảo sửa đổi Quyết định số 630/QĐ-NHNN trong đó yêu cầu xác thực sinh trắc học với các giao dịch trên 10 triệu đồng. Các biện pháp trên được kỳ vọng sẽ trực tiếp hạn chế, loại bỏ các “con la tiền”.
Xem thêm: Cách phát hiện và ngăn ngừa Con la tiền – Mule account
Tôi có một đề tài nghiên cứu khoa học về “nhận diện thủ đoạn rửa tiền xuyên biên giới và phương hướng phòng, chống tại Việt Nam”
Đây là một đề tài rất hữu ích và cần thiết. Thật tốt nếu bạn có thể chia sẻ chi tiết hơn về đề tài này. Cảm ơn.