40 Khuyến nghị đầu tiên của Lực lượng đặc nhiệm tài chính về chống rửa tiền được soạn thảo năm 1990 được coi như là một sáng kiến đấu tranh chống việc lợi dụng các hệ thống tài chính của các đối tượng tẩy rửa tiền do buôn bán ma túy mà có. Những khuyến nghị này được sửa đổi lần đầu vào năm 1996 để theo kịp các cách thức rửa tiền phát triển ngày càng tinh vi. 40 khuyến nghị sửa đổi năm 1996 đã được hơn 130 nước thông qua và trở thành chuẩn mực quốc tế về chống rửa tiền.
Tháng 10/2001, FATF đã mở rộng trách nhiệm giải quyết vấn đề tài trợ cho khủng bố và đã có bước đi quan trọng trong xây dựng 8 Khuyến nghị đặc biệt chống tài trợ khủng bố. Những khuyến nghị này bao gồm hàng loạt các biện pháp đấu tranh chống tài trợ cho hoạt động khủng bố, các tổ chức khủng bố, và bổ trợ cho 40 Khuyến nghị 40 Khuyến nghị và 8 Khuyến nghị đặc biệt của FATF đã được Quỹ tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng thế giới công nhận như là những chuẩn mực quốc tế để đấu tranh chống rửa tiền và tài trợ khủng bố.
Một yếu tố then chốt trong cuộc chiến chống rửa tiền và tài trợ khủng bố chính là việc yêu cầu các hệ thống của một quốc gia phải được quản lý và đánh giá theo các chuẩn mực quốc tế này. Các cuộc đánh giá đa phương được thực hiện bởi FATF, các tổ chức khu vực kiểu FATF, cũng như các đánh giá do Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng thế giới (WB) tiến hành, là cơ chế mang tính sống còn nhằm bảo đảm các khuyến nghị của FATF được tất cả các quốc gia thực hiện có hiệu quả.
FATF Recommendations 2012 (Amended February 2023)
Bản cập nhật mới nhất luôn được đăng tải tại website chính thức của Lực lượng đặc nhiệm tài chính FATF recommendations
A. CÁC HỆ THỐNG PHÁP LÝ
Phạm vi của tội phạm hình sự rửa tiền
1. Các quốc gia cần hình sự hoá tội rửa tiền trên cơ sở Công ước Liên Hợp Quốc 1988 chống lại việc buôn bán, vận chuyển bất hợp pháp các chất ma tuý và chất hướng thần (Công ước Viên) và Công ước Liên Hợp Quốc năm 2000 về tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia (Công ước Palermo).
Các quốc gia cần áp dụng tội phạm rửa tiền vào tất cả các tội nghiêm trọng với mục đích tập hợp thành một phạm vi rộng nhất các tội phạm nguồn của tội rửa tiền. Các tội phạm nguồn này có thể mô tả bằng cách dẫn chiếu tới tất cả các tội danh, hay tới một ngưỡng có gắn liền với hoặc là một danh mục các tội danh nghiêm trọng hoặc tới hình phạt tù áp dụng với tội phạm nguồn đó (cách tiếp cận theo ngưỡng), hoặc theo danh sách các tội phạm nguồn, hoặc là kết hợp cả hai cách tiếp cận này.
Khi các quốc gia áp dụng cách tiếp cận theo ngưỡng, các tội phạm nguồn ít nhất cần phải bao gồm tất cả các tội phạm thuộc danh mục các tội phạm nghiêm trọng theo luật của các quốc gia đó hoặc cần phải gồm các tội danh mà có thể bị phạt hình phạt tù tối đa là hơn một năm. Đối với những quốc gia có ngưỡng tối thiểu đối với các tội danh trong hệ thống pháp lý của mình, tội phạm nguồn cần phải bao gồm tất cả các tội danh có thể bị trừng phạt bởi mức phạt tù tối thiểu là hơn 6 tháng.
Cho dù áp dụng cách tiếp cận nào, mỗi quốc gia ít nhất cần đưa vào danh mục các loại tội danh chỉ định Xem định nghĩa “Các danh mục tội danh chỉ định” trong phần Chú giải.
Các tội phạm nguồn của tội rửa tiền cần bao trùm cả hành vi xảy ra tại một quốc gia khác, mà hành vi đó cấu thành tội phạm tại quốc gia đó, đồng thời nó cấu thành tội phạm tiền thân nếu nó xảy ra trong nước. Các quốc gia có thể quy định điều kiện tiên quyết duy nhất là hành vi này sẽ cấu thành một tội phạm nguồn nếu nó xảy ra trong nước.
Các quốc gia có thể quy định tội rửa tiền không áp dụng đối với các cá nhân đã phạm tội tiền thân, nếu như điều này được yêu cầu bởi các nguyên tắc cơ bản của luật trong nước.
2. Các quốc gia cần đảm bảo rằng:
a) Chủ ý và nhận thức cần thiết để chứng minh tội rửa tiền là phù hợp với các chuẩn mực nêu trong các Công ước Viên và Palermo, bao gồm cả khái niệm cho thấy trạng thái tinh thần đó sẽ có thể được suy ra từ hoàn cảnh, thực tế khách quan.
b) Trách nhiệm hình sự và khi điều này không áp dụng được thì trách nhiệm dân sự hoặc hành chính, sẽ áp dụng với các pháp nhân. Quy định này không loại trừ các thủ tục tố tụng hình sự, dân sự hoặc hành chính đang diễn ra song song liên quan tới pháp nhân đó tại quốc gia khác mà tại đó những hình thức trách nhiệm này có thể áp dụng. Pháp nhân cần phải chịu các hình phạt có hiệu quả, tương xứng và có tính răn đe. Các biện pháp đó cần áp dụng mà không gây ảnh hưởng gì tới trách nhiệm hình sự cá nhân.
Các biện pháp tạm thời và tịch thu
3. Các quốc gia cần áp dụng các biện pháp tương tự như những biện pháp được quy định trong Công ước Viên và Palermo, bao gồm các biện pháp pháp lý, để cho phép các cơ quan có thẩm quyền tịch thu tài sản đã được tẩy rửa, các khoản thu từ rửa tiền hoặc từ các tội phạm nguồn, các công cụ được sử dụng hoặc định sử dụng để thực hiện các tội phạm này, hoặc tài sản có giá trị tương đương mà không gây ảnh hưởng gì tới quyền của các bên thứ ba có thiện chí (bona fide).
Các biện pháp đó cần bao gồm các quyền để: (a) Nhận dạng, lần theo dấu vết và đánh giá tài sản sẽ bị tịch thu; (b) Tiến hành các biện pháp tạm thời như phong toả và tạm giữ để ngăn chặn bất cứ giao dịch nào, chuyển giao hoặc huỷ hoại tài sản đó; (c) Áp dụng các bước ngăn ngừa hoặc tránh các hành động nhằm hạn chế khả năng của nhà nước tìm ra tài sản sẽ bị tịch thu; và (d) Tiến hành bất cứ biện pháp điều tra thích hợp.
Các quốc gia có thể cân nhắc việc áp dụng các biện pháp cho phép các khoản thu nhập hoặc công cụ như vậy bị tịch thu mà không cần phải buộc tội hình sự, hoặc đòi hỏi kẻ phạm tội phải chứng minh nguồn gốc hợp pháp của tài sản bị buộc tịch thu, trong phạm vi mà yêu cầu đó phù hợp với các nguyên tắc của pháp luật trong nước của họ.
B. CÁC BIỆN PHÁP ĐƯỢC CÁC ĐỊNH CHẾ TÀI CHÍNH VÀ CÁC LOẠI HÌNH KINH DOANH VÀ NGÀNH NGHỀ PHI TÀI CHÍNH THỰC HIỆN NHẰM NGĂN NGỪA HOẠT ĐỘNG RỬA TIỀN VÀ TÀI TRỢ KHỦNG BỐ
4. Các quốc gia cần phải đảm bảo rằng luật bí mật của các định chế tài chính không ngăn cản việc triển khai các khuyến nghị của FATF.
Cập nhật, theo dõi thông tin về khách hàng (CDD) và lưu giữ hồ sơ
5.* Các định chế tài chính không được giữ các tài khoản vô danh hoặc các tài khoản với những tên giả.
Các định chế tài chính cần phải thực hiện các biện pháp CDD, bao gồm việc nhận dạng và xác minh nhận dạng của khách hàng khi:
– Thiết lập quan hệ kinh doanh;
– Thực hiện các giao dịch không thường xuyên: (i) vượt ngưỡng giá trị quy định, hoặc (ii) là các giao dịch chuyển tiền bằng điện trong các trường hợp nêu tại phần chú giải đối với khuyến nghị đặc biệt VII;
– Có sự nghi ngờ về rửa tiền hoặc tài trợ khủng bố;
– Các định chế tài chính nghi ngờ về tính trung thực hoặc đầy đủ của các thông tin nhận dạng khách hàng đã thu thập trước đây.
CDD cần phải thực hiện như sau:
a) Nhận dạng khách hàng và xác minh nhận dạng của khách hàng thông qua việc sử dụng những tài liệu, các dữ liệu và thông tin gốc, độc lập, đáng tin cậy Tài liệu, các dữ liệu và thông tin gốc, độc lập, đáng tin cậy sau đây sẽ được gọi là dữ liệu nhận dạng.
* Các khuyến nghị đi kèm với dấu sao phải đọc cùng với Lời chú giải cho chúng.
b) Xác định chủ sở hữu thụ hưởng và thực hiện các biện pháp thích hợp để xác minh nhận dạng của chủ sở hữu thụ huởng để định chế tài chính an tâm rằng định chế này biết được chủ sở hữu thụ hưởng là ai. Đối với các pháp nhân và các thoả thuận pháp lý, các định chế tài chính cần áp dụng các biện pháp thích hợp để hiểu được quyền sở hữu và cơ cấu kiểm soát của khách hàng.
c) Lấy thông tin về mục đích và bản chất của quan hệ kinh doanh.
d) Thực hiện CDD thường xuyên đối với quan hệ kinh doanh và kiểm soát kỹ lưỡng các giao dịch được thực hiện trong quá trình duy trì mối quan hệ đó để đảm bảo rằng các giao dịch đang tiến hành phù hợp với những hiểu biết của định chế tài chính về khách hàng đó, về hoạt động kinh doanh và về những rủi ro, khi cần thiết bao gồm cả nguồn gốc vốn của khách hàng đó.
Các định chế tài chính cần áp dụng từng biện pháp CDD nêu tại mục (a) đến (d) ở trên; nhưng có thể quyết định mức độ áp dụng các biện pháp đó trên cơ sở nhạy cảm rủi ro, phụ thuộc vào loại hình khách hàng, quan hệ kinh doanh hoặc giao dịch. Các biện pháp thực hiện cần phải phù hợp với các hướng dẫn do các cơ quan có thẩm quyền ban hành. Đối với các nhóm có rủi ro cao hơn, các định chế tài chính cần tiến hành CDD kỹ hơn. Trong một số trường hợp nhất định, khi rủi ro thấp, các quốc gia có thể quyết định rằng các định chế tài chính có thể áp dụng các biện pháp nhẹ hơn hoặc đơn giản hơn.
Các định chế tài chính cần xác minh nhận dạng của khách hàng và chủ sở hữu thụ hưởng trước hoặc trong quá trình thiết lập mối quan hệ kinh doanh hoặc khi tiến hành các giao dịch đối với các khách hành ít giao dịch. Các quốc gia có thể cho phép các định chế tài chính hoàn thành việc xác minh sớm trong mức khả thi sau khi thết lập quan hệ, khi các rủi ro rửa tiền có thể được quản lý một cách hiệu quả và điều quan trọng là không làm gián đoạn công việc kinh doanh thông thường.
Khi một định chế tài chính không thể tuân thủ với các mục (a) đến (c) ở trên thì không được mở tài khoản, khởi động quan hệ kinh doanh hoặc thực hiện giao dịch, hay cần phải chấm dứt quan hệ kinh doanh; và cần phải cân nhắc làm báo cáo giao dịch đáng ngờ liên quan đến khách hàng đó.
Các yêu cầu này cần áp dụng đối với tất cả các khách hàng mới, mặc dù vậy các định chế tài chính cũng cần phải áp dụng Khuyến nghị này đối với các khách hàng hiện tại trên cơ sở thực trạng và rủi ro và cần phải tiến hành các biện pháp CDD đối với mối quan hệ như vậy vào những thời điểm thích hợp.
6.* Ngoài việc thực hiện các biện pháp CDD thông thường, đối với những người có quan hệ chính trị, các định chế tài chính cần phải:
a) Có các hệ thống quản lý rủi ro thích hợp để xác định xem khách hàng đó có phải là người có quan hệ chính trị hay không;
b) Có được chấp thuận của quản lý cấp cao về việc thiết lập quan hệ kinh doanh với những khách hàng đó;
c) Thực hiện những biện pháp hợp lý để xác định được nguồn gốc tài sản và nguồn gốc của vốn;
d) Thực hiện giám sát kỹ, thường xuyên về mối quan hệ kinh doanh đó.
7. Ngoài việc thực hiện các biện pháp CDD thông thường, đối với hoạt động ngân hàng đại lý qua biên giới hoặc các quan hệ tương tự, các định chế tài chính cần phải:
a) Thu thập đầy đủ thông tin về một tổ chức đại lý để hiểu rõ bản chất hoạt động kinh doanh của tổ chức đó và để xác định uy tín của tổ chức đó qua những thông tin công khai và chất lượng giám sát, bao gồm cả việc liệu tổ chức đó đã từng bị điều tra do liên quan tới rửa tiền hoặc tài trợ khủng bố hay bị áp dụng các biện pháp quản lý chưa;
b) Đánh giá công tác kiểm soát hoạt động rửa tiền và tài trợ khủng bố của tổ chức đại lý;
c) Có được chấp thuận của quản lý cấp cao trước khi thiết lập quan hệ đại lý mới;
d) Ghi lại trách nhiệm tương ứng của từng tổ chức;
e) Đối với các khoản thanh toán thông qua tài khoản phải trả, cần phải đảm bảo rằng ngân hàng đại lý đã xác minh và thực hiện CDD thường xuyên đối với những khách hàng có khả năng tiếp cận trực tiếp với tài khoản của ngân hàng đại lý và đảm bảo rằng định chế tài chính có thể cung cấp những dữ liệu nhận dạng khách hàng trên cơ sở có yêu cầu cho ngân hàng đại lý.
8. Các định chế tài chính cần chú ý đặc biệt tới bất cứ mối đe doạ về rửa tiền nào có thể phát sinh từ các công nghệ mới hoặc đang phát triển có thể có lợi cho người nặc danh và áp dụng các biện pháp, nếu cần thiết, để ngăn ngừa việc sử dụng chúng trong các mưu đồ rửa tiền. Cụ thể là các định chế tài chính cần phải có các chính sách và quy trình thủ tục để xử lý bất cứ rủi ro cụ thể nào gắn liền với các mối quan hệ kinh doanh hoặc giao dịch không trực tiếp.
9.* Các quốc gia có thể cho phép các định chế tài chính dựa vào các trung gian hoặc các bên thứ ba khác để thực hiện các mục từ (a) đến (c) của quy trình CDD hoặc để giới thiệu hoạt động kinh doanh, miễn là các tiêu chí nêu ở dưới đây được đáp ứng. Khi được phép dựa vào các bên như trên, trách nhiệm cuối cùng về việc nhận dạng và xác minh khách hàng vẫn thuộc định chế tài chính dựa vào bên thứ ba đó.
Các tiêu chí cần phải đáp ứng bao gồm:
a) Một định chế tài chính dựa trên thông tin của bên thứ ba cần phải thu thập ngay lập tức các thông tin cần thiết liên quan tới các mục từ (a) đến (c) của quy trình CDD. Các định chế tài chính cần phải có các bước đi phù hợp để đảm bảo rằng bản sao các dữ liệu nhận dạng và các tài liệu liên quan khác liên quan tới các yêu cầu CDD sẽ được cung cấp từ bên thứ ba ngay lập tức khi có yêu cầu;
b) Định chế tài chính cần tự đảm bảo rằng bên thứ ba cần phải chịu sự quản lý, được giám sát và đã có các biện pháp nhằm tuân thủ các yêu cầu CDD phù hợp với Khuyến nghị số 5 và số 10.
Tự mỗi quốc gia sẽ quyết định xem là ở quốc gia nào có thể dựa được vào bên thứ ba khi đáp ứng các điều kiện trên, có tính đến thông tin có được về các quốc không áp dụng hoặc áp dụng không đầy đủ các khuyến nghị của FATF.
10.* Các định chế tài chính cần duy trì, ít nhất trong 5 năm, tất cả các hồ sơ cần thiết về các giao dịch, cả trong nước và quốc tế, để họ có thể đáp ứng nhanh chóng yêu cầu cung cấp thông tin từ các cơ quan có thẩm quyền. Các hồ sơ này cần phải đầy đủ để cho phép tái lập lại từng giao dịch đơn lẻ (kể cả số lượng và loại tiền liên quan) nhằm cung cấp bằng chứng cho việc truy tố hoạt động tội phạm khi cần thiết.
Các định chế tài chính cần phải lưu giữ các dữ liệu nhận dạng có được trong quá trình CDD (ví dụ: các bản sao hoặc bản lưu giấy tờ nhận dạng chính thức như hộ chiếu, chứng minh thư, bằng lái xe hoặc các giấy tờ tương tự), các hồ sơ tài khoản hoặc thư tín thương mại trong vòng ít nhất 5 năm sau khi giao dịch kinh doanh kết thúc.
Các dữ liệu nhận dạng và giao dịch phải được cung cấp cho các cơ quan có thẩm quyền trong nước theo quyền hạn phù hợp.
11.* Các định chế tài chính cần phải chú ý đặc biệt tới tất cả các giao dịch lớn, bất thường, phức tạp và tất cả các khía cạnh bất thường của các giao dịch không có mục đích hợp pháp hay kinh tế rõ ràng. Cơ sở và mục đích của các giao dịch như vậy cần phải được kiểm tra kỹ theo khả năng có thể, những phát hiện có được phải lập thành văn bản, phải luôn sẵn sàng để giúp các cơ quan có thẩm quyền và các kiểm toán viên.
12.* Các yêu cầu về CDD và lưu giữ hồ sơ khách hàng được quy định trong Khuyến nghị 5, 6, 8 đến 11 áp dụng đối với các loại hình kinh doanh và ngành nghề phi tài chính trong những tình huống sau:
a) Các sòng bạc – khi mà các khách hàng tham gia vào các giao dịch tài chính bằng hoặc vượt quá mức quy định;
b) Các đại lý bất động sản – khi mà họ tham gia vào các giao dịch cho khách hàng liên quan tới việc mua bán bất động sản;
c) Các nhà buôn bán kim loại quý và đá quý – khi mà họ tham gia vào bất kỳ giao dịch nào bằng tiền mặt với khách hàng bằng hoặc vượt quá mức quy định;
d) Các luật sư, công chứng viên, những chuyên gia luật và kế toán viên độc lập khi họ chuẩn bị hoặc thực hiện các giao dịch cho các khách hàng của mình liên quan đến những hoạt động sau:
- Mua bán bất động sản;
- Quản lý tiền mặt, chứng khoán hoặc các tài sản khác của khách hàng;
- Quản lý các tài khoản ngân hàng, các tài khoản tiết kiệm hoặc tài khoản chứng khoán;
- Tổ chức việc góp vốn để thành lập, vận hành hoặc quản lý các công ty;
- Thành lập, vận hành hoặc quản lý các pháp nhân hoặc các thỏa thuận pháp lý, và mua bán các công ty kinh doanh;
e) Các nhà cung cấp dịch vụ công ty và tín thác khi chuẩn bị thực hiện hoặc thực hiện các giao dịch cho khách hàng liên quan đến các hoạt động được liệt kê trong định nghĩa của Bảng chú giải.
Báo cáo các giao dịch đáng ngờ và tuân thủ
13.* Nếu một định chế tài chính nghi ngờ hoặc có những cơ sở hợp lý để nghi ngờ rằng khoản tiền này là khoản thu từ hoạt động phạm tội hoặc liên quan đến hoạt động tài trợ khủng bố, thì theo luật định, định chế đó phải báo cáo ngay những nghi ngờ của mình cho đơn vị tình báo tài chính (FIU).
14.* Các định chế tài chính, các giám đốc và nhân viên cần phải:
a) Được các quy định pháp luật bảo vệ khỏi trách nhiệm hình sự và dân sự khi vi phạm bất cứ sự cấm đoán tiết lộ thông tin theo hợp đồng hay do bất cứ điều khoản luật pháp, quy chế hay hành chính nào khác đặt ra, nếu họ báo cáo những nghi ngờ của mình một cách trung thực cho FIU, thậm chí nếu họ không biết chính xác hoạt động phạm tội liên quan nào đã xảy ra và không kể đến hoạt động phi pháp thực sự có xảy ra hay không;
b) Bị pháp luật cấm không cho phép tiết lộ về việc báo cáo giao dịch đáng ngờ (STR) hoặc thông tin liên quan đang được báo cáo cho FIU.
15.* Các định chế tài chính phải xây dựng các chương trình chống rửa tiền và tài trợ khủng bố. Các chương trình này bao gồm:
a) Việc xây dựng các chính sách, thủ tục và kiểm soát nội bộ, bao gồm cả cơ chế quản lý tuân thủ phù hợp, và quy trình rà soát thích hợp để đảm bảo đạt tiêu chuẩn cao khi thuê người lao động;
b) Có chương trình đào tạo nhân viên thường xuyên;
c) Có chức năng kiểm toán để kiểm tra hệ thống.
16.* Các yêu cầu quy định trong khuyến nghị 13 đến 15 và 21 áp dụng đối với tất cả các loại hình kinh doanh và ngành nghề phi tài chính, tuỳ vào những chuẩn mực sau:
a) Các luật sư, các công chứng viên, chuyên gia pháp lý và kế toán viên độc lập khác phải báo cáo các giao dịch đáng ngờ, khi họ nhân danh khách hàng hoặc tham gia vào một giao dịch tài chính cho khách hàng liên quan tới hoạt động được mô tả trong khuyến nghị 12(d). Đặc biệt khuyến khích các quốc gia đưa thêm các yêu cầu báo cáo về phần còn lại trong các hoạt động nghề nghiệp của các kế toán viên, bao gồm cả việc kiểm toán;
b) Các nhà buôn bán kim loại và đá quý phải báo cáo các giao dịch đáng ngờ khi họ tham gia vào bất kỳ giao dịch bằng tiền mặt với một khách hàng bằng hoặc vượt quá mức quy định;
c) Các nhà cung cấp dịch vụ công ty và tín thác phải báo cáo các giao dịch đáng ngờ cho khách hàng khi họ nhân danh khách hàng tham gia vào một giao dịch hoặc thực hiện cho khách hàng giao dịch liên quan đến các hoạt động khác quy định trong khuyến nghị 12(e).
Các luật sư, công chứng viên, chuyên gia pháp lý độc lập và kế toán viên khác hoạt động như những chuyên gia pháp lý độc lập không bị yêu cầu phải báo cáo những nghi ngờ của mình nếu thông tin liên quan có được trong những trường hợp họ phải giữ bí mật nghề nghiệp hoặc được hưởng những đặc quyền nghề nghiệp hợp pháp.
Các biện pháp khác nhằm ngăn chặn rửa tiền và tài trợ khủng bố.
17. Các quốc gia phải đảm bảo rằng có các biện pháp xử phạt hữu hiệu, phù hợp và có tính thuyết phục, dù đó là biện pháp hình sự, dân sự hoặc hành chính, để xử lý đối với các thể nhân hoặc pháp nhân nêu trong các khuyến nghị này, khi họ không tuân theo các yêu cầu về chống rửa tiền hoặc tài trợ khủng bố.
18. Các quốc gia không được chấp thuận cho việc thành lập hoặc chấp nhận hoạt động của các ngân hàng vỏ bọc. Các định chế tài chính phải từ chối tham gia vào hoặc tiếp tục quan hệ ngân hàng đại lý với các ngân hàng vỏ bọc. Các định chế tài chính cũng phải đề phòng việc thiết lập quan hệ với các đối tác là các định chế tài chính nước ngoài cho phép các ngân hàng vỏ bọc được sử dụng tài khoản của mình.
19. Các quốc gia cần xem xét tính khả thi và hữu ích của hệ thống, trong đó các ngân hàng, định chế và trung gian tài chính khác sẽ báo cáo tất cả các giao dịch tiền tệ trong nước và quốc tế vượt quá một mức cố định nào đó cho một cơ quan trung ương quốc gia với cơ sở dữ liệu được vi tính hoá, sẵn sàng cho các cơ quan có thẩm quyền sử dụng trong phòng, chống rửa tiền và tài trợ khủng bố, với các quy định bảo vệ chặt chẽ để đảm bảo sử dụng phù hợp thông tin đó.
20. Các quốc gia cần xem xét việc áp dụng các khuyến nghị của FATF đối với các loại hình kinh doanh và ngành nghề, ngoài những loại hình kinh doanh và ngành nghề phi tài chính, có rủi ro về chống rửa tiền hoặc tài trợ khủng bố.
Các quốc gia phải khuyến khích hơn nữa việc phát triển kỹ thuật quản lý tiền hiện đại và an toàn, ít có khả năng rửa tiền hơn.
Các biện pháp cần phải tiến hành đối với các quốc gia không tuân thủ hoặc tuân thủ không đầy đủ các khuyến nghị của FATF
21. Các định chế tài chính phải chú ý đặc biệt tới các quan hệ và giao dịch kinh doanh với những người, bao gồm cả các công ty và định chế tài chính, từ các nước không áp dụng hoặc áp dụng không đầy đủ các khuyến nghị của FATF. Bất cứ khi nào những giao dịch này không có mục đích kinh tế rõ ràng hoặc hợp pháp, thì mục đích và cơ sở của chúng cần phải được kiểm tra chừng nào có thể, những phát hiện theo đó phải lập thành văn bản và phải luôn sẵn sàng cung cấp cho các cơ quan có thẩm quyền. Khi quốc gia đó tiếp tục không áp dụng hoặc áp dụng không đầy đủ các khuyến nghị của FATF, thì các quốc gia cần phải có khả năng áp dụng các đối pháp thích hợp.
22. Các định chế tài chính phải đảm bảo rằng các nguyên tắc áp dụng đối với các định chế tài chính nêu ở trên cũng được áp dụng đối với các chi nhánh và các chi nhánh phụ ở nước ngoài, đặc biệt ở các quốc gia không áp dụng hoặc áp dụng không có hiệu quả các khuyến nghị của FATF, trong phạm vi luật và các quy định bản địa cho phép. Khi luật pháp và các quy định bản địa cấm thực hiện việc này, các cơ quan có thẩm quyền tại quốc gia của định chế mẹ phải được các định chế tài chính thông báo rằng họ không thể áp dụng các khuyến nghị của FATF.
Quản lý và giám sát
23.* Các quốc gia phải đảm bảo rằng các định chế tài chính phải chịu sự quản lý, giám sát thích hợp và thực thi các khuyến nghị FATF một cách hiệu quả. Các cơ quan có thẩm quyền phải thực hiện các biện pháp quản lý và pháp lý cần thiết để ngăn cản bọn tội phạm và các băng nhóm của chúng nắm giữ hoặc trở thành chủ sở hữu hưởng các lợi ích, kiểm soát, quyết định hoặc nắm giữ vai trò quản lý trong một định chế tài chính.
Đối với các định chế tài chính chịu sự điều chỉnh của những Nguyên tắc cơ bản thì các biện pháp quản lý và giám sát được áp dụng cho mục tiêu thận trọng và phù hợp với vấn đề rửa tiền cũng phải được áp dụng theo cách tương tự cho mục tiêu chống rửa tiền và tài trợ khủng bố.
Các định chế tài chính khác phải được cấp phép, đăng ký và quản lý phù hợp, đồng thời chịu sự giám sát nhằm mục đích chống rửa tiền, có xem xét đến nguy cơ rửa tiền và tài trợ khủng bố trong lĩnh vực đó. Ít nhất thì các cơ sở kinh doanh cung cấp dịch vụ chuyển tiền hay giá trị hoặc chuyển đổi tiền tệ phải được cấp phép hoặc đăng ký và được giám sát bởi các hệ thống quản lý và đảm bảo tuân thủ các yêu cầu của quốc gia nhằm phòng, chống rửa tiền và tài trợ khủng bố.
24. Các loại hình kinh doanh chỉ định và ngành nghề phi tài chính phải chịu sự điều chỉnh của các biện pháp quản lý và giám sát được liệt kê dưới đây:
a) Các sòng bạc phải là đối tượng điều chỉnh của một cơ chế quản lý và giám sát toàn diện đảm bảo thực hiện có hiệu quả các biện pháp chống rửa tiền và tài trợ khủng bố cần thiết. Tối thiểu là:
- Các sòng bạc phải được cấp phép;
- Các cơ quan có thẩm quyền phải thực hiện các biện pháp quản lý và pháp lý cần thiết để ngăn cản tội phạm hoặc các băng nhóm của chúng nắm giữ hoặc trở thành chủ sở hữu thụ hưởng lợi ích kiểm soát, quyết định hoặc nắm giữ vai trò quản lý hay trở thành người điều hành sòng bạc;
- Các cơ quan có thẩm quyền phải đảm bảo rằng các sòng bạc được giám sát hiệu quả trong việc tuân thủ các yêu cầu về chống rửa tiền và tài trợ khủng bố.
b) Các quốc gia phải đảm bảo rằng các loại hình kinh doanh chỉ định và ngành nghề phi tài chính khác phải là đối tượng điều chỉnh của hệ thống giám sát hiệu quả và đảm bảo tuân thủ các yêu cầu chống rửa tiền và tài trợ khủng bố. Điều này phải được thực hiện trên cơ sở nhạy cảm rủi ro. Điều này có thể được thực hiện bởi cơ quan chính phủ hoặc tổ chức tự quản phù hợp, miễn là tổ chức này có thể đảm bảo rằng các thành viên của mình tuân thủ các nghĩa vụ về chống rửa tiền và tài trợ khủng bố.
25.* Các cơ quan có thẩm quyền phải xây dựng hướng dẫn và cung cấp thông tin phản hồi hỗ trợ các định chế tài chính, các loại hình kinh doanh chỉ định và ngành nghề phi tài chính trong việc áp dụng các biện pháp quốc gia nhằm phòng, chống rửa tiền và tài trợ khủng bố, đặc biệt là trong việc phát hiện và báo cáo các giao dịch đáng ngờ.
C. CÁC BIỆN PHÁP TỔ CHỨC VÀ BIỆN PHÁP KHÁC CẦN THIẾT TRONG HỆ THỐNG CHỐNG RỬA TIỀN VÀ TÀI TRỢ KHỦNG BỐ
Các cơ quan có thẩm quyền, quyền hạn và nguồn lực của họ
26.* Các quốc gia phải thành lập các FIU hoạt động như trung tâm quốc gia để tiếp nhận (và yêu cầu, nếu được phép), phân tích và phổ biến STR và các thông tin khác về việc rửa tiền và tài trợ khủng bố có nguy cơ xảy ra. FIU phải được tiếp cận, trực tiếp hoặc gián tiếp, một cách kịp thời các thông tin tài chính, hành chính và hành pháp mà FIU yêu cầu để thực hiện đúng đắn chức năng của mình bao gồm cả phân tích STR.
27.* Các quốc gia phải đảm bảo rằng các cơ quan thi hành pháp luật được chỉ định có trách nhiệm điều tra chống rửa tiền và tài trợ khủng bố. Khuyến khích các quốc gia hỗ trợ và phát triển theo khả năng các kỹ thuật điều tra đặc biệt, phù hợp với việc điều tra rửa tiền, chẳng hạn như thả lỏng có kiểm soát, các hoạt động đặc tình và các kỹ thuật thích hợp khác. Các quốc gia cũng được khuyến khích sử dụng các cơ chế hiệu quả khác, ví dụ như việc sử dụng các nhóm thường xuyên hoặc tạm thời chuyên về điều tra tài sản và hợp tác điều tra với các cơ quan có thẩm quyền thích hợp ở các quốc gia khác.
28. Khi tiến hành điều tra rửa tiền và những tội phạm nguồn, các cơ quan có thẩm quyền phải có khả năng lấy được những tài liệu và thông tin để sử dụng trong các cuộc điều tra này, trong việc khởi tố và các hoạt động liên quan. Điều này bao gồm quyền sử dụng các biện pháp bắt buộc in các hồ sơ tài liệu được các định chế tài chính và những người khác lưu giữ, khám xét người và trụ sở niêm phong và thu thập chứng cứ.
29. Các giám sát viên phải có quyền hạn thích hợp để giám sát và đảm bảo sự tuân thủ của các định chế tài chính đối với các yêu cầu chống rửa tiền và tài trợ khủng bố, bao gồm cả quyền thực hiện thanh tra. Họ cần có quyền buộc các định chế tài chính cung cấp bất cứ thông tin nào liên quan đến việc giám sát sự tuân thủ này và áp đặt các biện pháp xử lý hành chính thích hợp do không tuân thủ các yêu cầu như vậy.
30. Các quốc gia phải trang bị cho các cơ quan có thẩm quyền tham gia vào công cuộc chống rửa tiền và tài trợ khủng bố nguồn kỹ thuật, nhân lực và tài chính đầy đủ. Các quốc gia phải có các quy trình đảm bảo rằng nhân viên của các cơ quan này có được sự liêm chính cao.
31. Các quốc gia phải đảm bảo rằng các nhà làm chính sách, FIU, cơ quan thực thi pháp luật và các giám sát viên có cơ chế hiệu quả cho phép họ hợp tác và ở nơi thích hợp thì điều phối với nhau trong nước liên quan đến việc xây dựng và thực hiện các chính sách và hoạt động để chống rửa tiền và tài trợ khủng bố.
32. Các quốc gia phải đảm bảo rằng các cơ quan có thẩm quyền có thể đánh giá hiệu quả những hệ thống của mình để chống lại các hệ thống rửa tiền và tài trợ khủng bố bằng cách duy trì các số liệu thống kê toàn diện về các vấn đề liên quan đến tính hiệu quả và hiệu lực của các hệ thống này. Điều này phải bao gồm các thống kê về STR nhận được và đã chuyển giao; về các cuộc điều tra, khởi tố và xét xử về rửa tiền và tài trợ khủng bố; về số tài sản đã bị phong toả, niêm phong và tịch thu; và về tương trợ pháp lý đa phương và các yêu cầu hợp tác quốc tế khác.
Tính minh bạch của các pháp nhân và thoả thuận pháp lý
33. Các quốc gia phải thực hiện các biện pháp nhằm ngăn chặn các đối tượng rửa tiền sử dụng pháp nhân một cách bất hợp pháp. Các quốc gia phải đảm bảo có thông tin đầy đủ, chính xác và kịp thời về quyền sở hữu hưởng lợi và kiểm soát pháp nhân để cơ quan có thẩm quyền có thể truy cập hoặc có được kịp thời. Đặc biệt, các quốc gia có các pháp nhân có thể phát hành cổ phiếu vô danh phải thực hiện các biện pháp thích hợp để đảm bảo rằng chúng không bị sử dụng cho rửa tiền và phải có khả năng chứng minh sự đầy đủ của các biện pháp này. Các quốc gia có thể xem xét các biện pháp để tạo điều kiện tiếp cận thông tin về quyền sở hữu hưởng lợi và kiểm soát đối với các định chế tài chính thực hiện các yêu cầu theo khuyến nghị 5.
34. Các quốc gia phải thực hiện các biện pháp để ngăn chặn việc sử dụng bất hợp pháp các thoả thuận pháp lý của đối tượng rửa tiền. Cụ thể, các quốc gia phải đảm bảo rằng có thông tin đầy đủ, chính xác và kịp thời về các khoản uỷ thác nhanh, bao gồm cả thông tin về người uỷ thác, người được uỷ thác và những người hưởng lợi mà các cơ quan có thẩm quyền có thể có được một cách kịp thời. Các quốc gia có thể xem xét các biện pháp để tạo điều kiện tiếp cận thông tin về quyền sở hữu hưởng lợi và kiểm soát đối với các định chế tài chính thực hiện các yêu cầu theo khuyến nghị 5.
D. HỢP TÁC QUỐC TẾ
35. Các quốc gia cần tiến hành ngay các bước để trở thành thành viên và thực hiện đầy đủ Công ước Viên, Công ước Palermo và Công ước Quốc tế năm 1999 của Liên Hợp Quốc về việc trấn áp hoạt động tài trợ cho khủng bố. Các quốc gia cũng được khuyến khích phê chuẩn và thực hiện các Công ước quốc tế liên quan khác như Công ước năm 1990 của Hội đồng Châu Âu về tẩy rửa, truy tìm, bắt giữ và tịch thu các khoản thu nhập từ tội phạm và Công ước Liên Mỹ về chống khủng bố năm 2002.
Hỗ trợ pháp lý đa phương và dẫn độ:
36. Các quốc gia cần cung cấp phạm vi hỗ trợ pháp lý đa phương rộng nhất có thể một cách nhanh chóng, hiệu quả và mang tính xây dựng trong việc điều tra, truy tố và các thủ tục tố tụng khác có liên quan đến rửa tiền và tài trợ khủng bố. Đặc biệt, các quốc gia cần:
a) Không ngăn cấm hay đưa ra các điều kiện hạn chế không hợp lý và không thỏa đáng về các điều khoản hỗ trợ pháp lý đa phương;
b) Đảm bảo có quy trình thực hiện các yêu cầu tương trợ pháp lý đa phương một cách rõ ràng và có hiệu quả;
c) Không từ chối thực hiện yêu cầu hỗ trợ pháp lý đa phương chỉ dựa trên cơ sở duy nhất rằng tội phạm đó được xem là có liên quan tới các vấn đề ngân sách;
d) Không từ chối thực hiện yêu cầu hỗ trợ pháp lý đa phương dựa trên cơ sở rằng luật yêu cầu các định chế tài chính phải duy trì chế độ bảo mật hoặc bí mật thông tin.
Các quốc gia cần đảm bảo rằng quyền hạn của các cơ quan có thẩm quyền theo Khuyến nghị 28 đủ để đáp ứng được các yêu cầu hỗ trợ pháp lý đa phương, và nếu phù hợp với khuôn khổ pháp luật trong nước, đáp ứng được các yêu cầu trực tiếp của các cơ quan hành pháp hoặc tư pháp nước ngoài đối với các cơ quan đối tác trong nước.
Để tránh các xung đột về thẩm quyền, cần cân nhắc phân chia và áp dụng các cơ chế để xác định nơi tốt nhất cho việc tiến hành truy tố các bị cáo nhằm đảm bảo công bằng trong trường hợp khi việc truy tố phải tiến hành không chỉ ở một nước.
37. Các quốc gia, trong phạm vi rộng nhất có thể, cần tiến hành hỗ trợ pháp lý đa phương mà không tính đến yếu tố song trùng tội phạm kể cả khi không có tội phạm kép.
Khi yếu tố song trùng tội phạm được yêu cầu trong tương trợ pháp lý đa phương hoặc dẫn độ thì yêu cầu đó cần phải được cho là đã được đáp ứng, không kể việc hai nước có xếp loại tội phạm này trong cùng một phạm trù hoặc có dùng thuật ngữ giống nhau hay không, với điều kiện là cả hai nước đều hình sự hoá việc thực hiện tội phạm nguồn.
38.* Cần phải có cơ quan có thẩm quyền để tiến hành các hành động khẩn trương đáp ứng các yêu cầu của nước khác về nhận dạng, phong tỏa, bắt giữ và tịch thu tài sản được tẩy rửa, và các khoản thu từ các hoạt động rửa tiền hoặc các loại tội phạm nguồn, các công cụ được sử dụng hoặc định sử dụng để thực hiện các tội phạm này, hoặc tài sản có giá trị tương đương. Cũng cần phải có các thỏa thuận để phối hợp thực hiện các thủ tục bắt giữ và tịch thu, có thể bao gồm cả việc phân chia tài sản bị tịch thu.
39. Các nước cần công nhận rửa tiền là loại hình tội phạm có thể dẫn độ. Mỗi quốc gia cần dẫn độ công dân nước mình hoặc nếu một quốc gia không thực hiện việc dẫn độ chỉ đơn thuần vì lí do quốc tịch, thì quốc gia đó, theo yêu cầu của nước đề nghị dẫn độ, phải nhanh chóng đệ trình vụ việc cho các cơ quan có thẩm quyền của mình để tiến hành truy tố tội phạm nêu trong yêu cầu. Những cơ quan có thẩm quyền này cần đưa ra quyết định và tiến hành các thủ tục tố tụng như đối với bất kì các loại tội phạm nghiêm trọng khác theo quy định của luật pháp trong quốc gia đó. Các quốc gia có liên quan cần phối hợp với nhau, đặc biệt là trên các khía cạnh về thủ tục và chứng cứ, để đảm bảo tính hiệu quả của quá trình truy tố đó.
Trong khuôn khổ pháp lý của nước mình, các nước có thể xem xét việc đơn giản hóa thủ tục dẫn độ bằng cách cho phép chuyển giao trực tiếp yêu cầu dẫn độ giữa các bộ ngành thích hợp, dẫn độ người chỉ dựa trên cơ sở lệnh bắt giữ hoặc phán quyết của tòa án, và/ hoặc áp dụng thủ tục dẫn độ đơn giản hóa đối với những người đồng ý không sử dụng các thủ tục dẫn độ chính thức.
Các hình thức hợp tác khác:
40.* Các nước cần đảm bảo rằng các cơ quan có thẩm quyền của nước mình cung cấp phạm vi hợp tác quốc tế rộng rãi nhất có thể cho các cơ quan đối tác nước ngoài. Cần phải có các kênh rõ ràng và hiệu quả để trao đổi, trực tiếp nhanh chóng và có tính xây dựng giữa các cơ quan đối tác, một cách tự động hoặc theo yêu cầu, các thông tin về rửa tiền cũng như các tội phạm nguồn. Không được có bất kì điều kiện hạn chế không thỏa đáng nào đối với các trao đổi này, cụ thể là:
a) Các cơ quan có thẩm quyền không được từ chối yêu cầu hỗ trợ chỉ với lý do rằng yêu cầu đó cũng được cho là có liên quan đến các vấn đề ngân sách;
b) Các nước không được viện dẫn các luật yêu cầu các định chế tài chính phải duy trì chế độ bí mật hoặc bảo mật thông tin làm cơ sở để từ chối hợp tác;
c) Các cơ quan có thẩm quyền phải được tiến hành xét hỏi, và khi có thể, điều tra, với tư cách đại diện cho các đối tác nước ngoài.
Trong trường hợp khả năng thu thập thông tin mà các cơ quan có thẩm quyền nước ngoài tìm kiếm không thuộc quyền hạn của các cơ quan đối tác trong nước, các nước được khuyến khích cho phép trao đổi thông tin với các cơ quan không phải là đối tác một cách nhanh chóng và có tính chất xây dựng. Sự hợp tác với các cơ quan nước ngoài không phải là đối tác có thể diễn ra trực tiếp hoặc gián tiếp. Khi không chắc chắn về việc cần phải liên lạc với cơ quan thích hợp nào, trước tiên, các cơ quan có thẩm quyền cần liên lạc với đối tác nước ngoài để yêu cầu hỗ trợ.
Các nước cần thiết lập hệ thống kiểm soát và bảo vệ để đảm bảo rằng thông tin trao đổi giữa các cơ quan có thẩm quyền được sử dụng chỉ theo đúng cách thức cho phép, phù hợp với nghĩa vụ của cơ quan này trong việc bảo vệ thông tin dữ liệu và bí mật.